HDBank vừa công bố ngày 30/11/2020 sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng cổ phiếu năm 2019 (đợt 2) và tăng vốn lên hơn 16.088 tỷ đồng, ngay sau khi hoàn thành đợt tăng vốn đầu tiên vào năm 2020 lên 12.707 tỷ đồng.
Thông tin do Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh công bố cho biết, ngày 30/11/2020 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng của Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank – mã chứng khoán HDB) lập danh sách cổ đông nhận cổ tức đợt 2 năm 2019 bằng cổ phiếu và tăng vốn đợt 2 năm 2020.
Mới đây, ngân hàng đã hoàn tất việc chia cổ tức và thưởng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ đợt 1 năm 2020 từ 9.810 tỷ đồng lên hơn 12.707 tỷ đồng. Mức vốn mới được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 02/11/2020.
Việc tăng vốn điều lệ đợt 1 năm 2020 được HDBank thực hiện thông qua việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức đợt 1 năm 2019 và phát hành cổ phiếu thưởng tổng tỷ lệ 30% từ nguồn vốn chủ sở hữu. Số lượng cổ phiếu phát hành đợt 1 là 289,8 triệu cổ phiếu, trên tổng số 627,8 triệu cổ phiếu được ĐHCĐ quyết định phát hành tăng vốn vào năm 2020.
HDBank thực hiện tăng vốn điều lệ lên 16.088 tỷ đồng thông qua hình thức chia cổ tức năm 2019. Tỷ lệ phát hành là 26,92% để tính số cổ phiếu lưu hành theo vốn mới, tương đương 35% số lượng cổ phiếu lưu hành tại thời điểm Đại hội Cổ đông thông qua Nghị quyết tăng vốn điều lệ vào năm 2020.
Như vậy, sau hai đợt chia cổ tức và cổ phiếu thưởng, cổ đông HDBank sẽ được nhận cổ tức với tổng tỷ lệ 65% vào năm 2020 như ĐHCĐ đã thông qua trước đó.
Trên thị trường, HDBank là ngân hàng chi trả cổ tức và cổ phiếu thưởng cao nhất năm nay. Ngân hàng này cũng có lịch sử trả cổ tức cao và đều đặn qua các năm.
Mới đây, ngân hàng cũng đã phát hành thành công trái phiếu chuyển đổi cho đối tác chiến lược nước ngoài, giúp hệ số CAR tích cực hơn theo Basel II – hiện đang ở mức khá cao 10,9%. Chất lượng tài sản tiếp tục tốt với tỷ lệ nợ xấu thấp, đồng thời được xếp hạng B1 – thuộc nhóm cao nhất thị trường, thể hiện năng lực tài chính tốt, ít rủi ro tài chính. cơ hội phát triển trọng điểm và lâu dài của ngân hàng.
Theo Nhịp sống kinh tế